Điểm chuẩn tăng cao kỉ lục liệu có phải đề thi THPT ngày càng dễ?

Chủ nhật - 19/09/2021 09:40
Chuyên gia nói một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay tăng 9 - 11 điểm là do đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra 3 nguyên nhân chính của việc điểm chuẩn đại học tăng mạnh, 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học.

Thứ nhất, số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không tăng đột biến.

Thứ hai, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực; không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển dạng này, tạo áp lực lên tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.

Thứ ba, do tình hình dịch bệnh, đề thi THPT nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Cá biệt có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi (từ 9 đến 11 điểm) tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Anh văn, Ngữ văn; hoặc Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD).

Điểm chuẩn tăng kỷ lục: Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ? - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021

Ví dụ môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi từ điểm 8 trở lên chiếm 24%, trong khi tỷ lệ này năm 2020 là 6,5%, năm 2019 là 5,96% và năm 2018 là 2,7%. Như vậy, trung bình cứ 4 thí sinh thì 1 em đạt điểm giỏi.

Môn Văn, tỷ lệ bài thi từ điểm 7 trở lên chiếm 41,7% tổng số bài thi, tỷ lệ này năm 2020 cũng là 46%, trong khi năm 2019 là 14,4% và năm 2018 là 17,4%.

Môn Địa lý, tỷ lệ bài thi từ điểm 8 trở lên năm nay là 22%, trong khi năm ngoái là 16,5%, năm 2019 là 5,55% và 2018 chỉ có 3,16%.

Đặc biệt, môn Giáo dục Công dân, năm 2021 điểm giỏi từ 8 trở lên là 71,5%, năm 2020 là 66,2% và năm 2019 là 38,4%.

Những tổ hợp Văn, Địa lý, tiếng Anh và GDCD điểm tăng rất cao là đương nhiên. Dẫn đến có ngành xét tổ hợp này tăng điểm trúng tuyển cao so với năm ngoái đến 7 - 8 điểm.

Môn Toán và Lý, Hóa không có đột biến lớn so với năm 2020, nhưng kết quả thi cho thấy đề thi năm ngoái và năm nay cũng dễ hơn nhiều so với mấy năm trước. Và thấy rất rõ, điểm khối A năm nay tổ hợp có 2 môn Toán, Lý hoặc Toán, Hóa,…điểm trúng tuyển tăng không mạnh.

"Với 3 nguyên nhân như tôi đã phân tích như trên, thì nếu không tỉnh táo để phân tích tình hình để đăng ký nguyện vọng phù hợp, thì 30 điểm vẫn trượt đại học là giải thích được và không có gì là ngạc nhiên", GS Đức nhấn mạnh.

Điểm chuẩn tăng kỷ lục: Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ? - 2
Điểm chuẩn tăng kỷ lục: Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ? - 3

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn tăng vì 2 lý do, điểm thi tốt nghiệp cao hơn năm trước và thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển, tập trung vào các trường top, ngành hot.

Cô giáo Trần Linh Vân (Hà Tĩnh) cho rằng việc năm nay không hiếm những thí sinh đạt 26, 27, thậm chí 28 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, 2 rất đáng lo ngại. Bộ GD&ĐT nên xem lại cách ra đề thi tốt nghiệp THPT.  Theo cô Vân, mặc dù mục đích chính của tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp, nhưng điểm thi của kỳ thi này vẫn là căn cứ quan trọng để các trường đại học xét tuyển đầu vào. Do đó, Bộ GD&ĐT cần ra đề theo hướng phân hoá rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh quá chủ quan và không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học cũng dẫn đến tình trạng "trắng tay" trong đợt tuyển vừa qua.

Nguồn tin: vtc.vn

CĐ Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh năm 2024

Liên kết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây