30 câu Hỏi - Đáp về tuyển sinh Học viện hậu cần năm 2023

Thứ tư - 19/04/2023 14:33
Bộ câu hỏi sẽ giải đáp cho các thí sinh nắm rõ về chỉ tiêu, đối tượng, khu vực tuyển sinh; về ngành, chuyên ngành đào tạo của Học viện Hậu cần, hướng dẫn đăng ký xét tuyển và thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1.
30 câu Hỏi - Đáp về tuyển sinh Học viện hậu cần năm 2023

Mục lục

Câu hỏi 1: Học viện Hậu cần tổ chức tuyển sinh đại học quân sự những ngành nào?

Trả lời:

Học viện Hậu cần tổ chức tuyển sinh đào tạo đại học quân sự 01 ngành, tên ngành: Hậu cần Quân sự, mã ngành: 7860218.

Câu hỏi 2: Hiện nay, Học viện Hậu cần đang đào tạo đại học quân sự những chuyên ngành nào và cấp bằng tốt nghiệp như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, Học viện Hậu cần đang đào tạo 6 chuyên ngành, khi cấp bằng tốt nghiệp chia thành 2 đối tượng như sau:

- Cấp Bằng Cử nhân ngành Hậu cần Quân sự, gồm 05 chuyên ngành:

+ Chỉ huy tham mưu hậu cần;

+ Quân nhu;

+ Chỉ huy Vận tải;

+ Xăng dầu;

+ Tài chính.

- Cấp Bằng Kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng, chuyên ngành: Doanh trại

- Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Câu hỏi 3: Chỉ tiêu tuyển thí sinh NAM vào Học viện Hậu cần năm 2023?

Trả lời:

Năm 2023, Học viện Hậu cần được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tuyển sinh thí sinh nam: 195 chỉ tiêu:

-    Nơi thường trú phía Bắc: 127 chỉ tiêu (tính từ Quảng Bình trở ra).

-    Nơi thường trú phía Nam: 68 chỉ tiêu (tính từ Quảng Trị trở vào).

Câu hỏi 4: Chỉ tiêu tuyển thí sinh NỮ vào Học viện Hậu cần năm 2023?

Trả lời:

Năm 2023, Học viện Hậu cần được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tuyển sinh thí sinh nữ 10% chỉ tiêu đào tạo Chuyên ngành Tài chính: 04 chỉ tiêu:

-    Thí sinh thường trú phía Bắc: 03 chỉ tiêu (tính từ Quảng Bình trở ra).

-    Thí sinh thường trú phía Nam: 01 chỉ tiêu (tính từ Quảng Trị trở vào).

Câu hỏi 5: Khu vực tuyển sinh vào Học viện Hậu cần được quy định như thế nào?

Trả lời:

Khu vực tuyển sinh vào Học viện Hậu cần được quy định như sau:

-    Phía Bắc: Thí sinh có nơi thường trú từ tỉnh Quảng Bình trở ra.

-    Phía Nam: Thí sinh có nơi thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào:

+ Đăng ký thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào (tính đến tháng 9/2023) phải đủ 03 năm liên tục trở lên.

+ Phải học tập năm lớp 12 và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh phía Nam.

Câu hỏi 6: Đối tượng tuyển sinh vào Học viện Hậu cần được quy định như thế nào?

Trả lời:

Học viện Hậu cần tuyển sinh các đối tượng:

-    Thí sinh nam, nữ trên phạm vi cả nước.

-    Thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân), số lượng đăng ký sơ tuyển không hạn chế.

-    Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4/2023); quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9/2023).

Câu hỏi 7: Độ tuổi đăng ký tuyển sinh vào Học viện Hậu cần được quy định như thế nào?

Trả lời:

Độ tuổi của thí sinh, tính đến năm dự tuyển (không tính tháng sinh), được quy định như sau:

-    Thanh niên ngoài Quân đội từ 17 đến 21 tuổi.

-    Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.

Câu hỏi 8: Thời gian sơ tuyển và khám sức khỏe sơ tuyển năm 2023? Trả lời:

-    Thời gian sơ tuyển: Từ ngày 25/3/2023 đến ngày 20/5/2023.

-    Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:

+ Đợt 1: Tuần 3 tháng 4 năm 2023.

+ Đợt 2: Tuần 2 tháng 5 năm 2023.

Thời gian cụ thể về khám sức khỏe do ban tuyển sinh quân sự các đơn vị, địa phương quy định.

Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển, nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.

Câu hỏi 9: Thí sinh có được lựa chọn đăng ký sơ tuyển cả các trường thuộc Bộ Quốc phòng và các trường thuộc Bộ Công an không?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng: Thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì KHÔNG tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng.

Khi thí sinh đăng ký sơ tuyển, Ban tuyển sinh Quân sự cấp huyện sẽ phối hợp với các Ban tuyển sinh Công an cấp huyện để đối chiếu danh sách thí sinh sơ tuyển.

Câu hỏi 10: Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào Học viện Hậu cần phải làm những loại hồ sơ như thế nào?

Trả lời:

*    Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Mỗi thí sinh phải làm 02 loại hồ sơ riêng biệt:

-    01 bộ hồ sơ sơ tuyển năm 2023 do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành:

+ Thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân): Đăng ký mua và nộp hồ sơ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp huyện.

+ Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ: Đăng ký mua và nộp hồ sơ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương.

-    01 bộ hồ sơ đăng ký dự thi THPT năm 2023 do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát hành: Đăng ký mua và nộp hồ sơ tại các trường THPT hoặc Phòng Giáo dục - Đào tạo cấp huyện.

*    Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT:

Ngoài 02 loại hồ sơ nêu trên, thí sinh cần phải làm thêm 01 bộ hồ sơ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, như sau:

 -    Đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (theo Điều 8 - Quy chế Tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo): Đăng ký và nộp hồ sơ tại các Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh (thành phố).

-    Đối tượng xét tuyển thẳng học sinh giỏi bậc THPT (theo quy định của Bộ Quốc phòng): Đăng ký và nộp hồ sơ tại các Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện.

Câu hỏi 11: Thí sinh tham gia sơ tuyển phải làm gì?

Trả lời:

Khi tham gia sơ tuyển:

-    Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ sơ tuyển thuộc phần quy định thí sinh tự khai và trực tiếp đến nộp hồ sơ sơ tuyển cho Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài Quân đội) hoặc cấp trung đoàn (đối với quân nhân tại ngũ) theo đúng thời gian quy định. Khi đến nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, thí sinh phải mang theo thẻ căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân), xác nhận cư trú do Công an xã, phường cấp và các giấy tờ tùy thân khác (nếu có).

-    Chụp ảnh để dán vào hồ sơ sơ tuyển.

-    Khám sức khỏe sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện hoặc cấp trung đoàn tổ chức.

Câu hỏi 12: Tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức của thí sinh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thí sinh phải đủ các tiêu chuẩn sau:

-    Lý lịch chính trị gia đình và bản thân phải rõ ràng, đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

-    Có phẩm chất đạo đức tốt, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

-    Trường hợp quân nhân phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ.

Câu hỏi 13: Tiêu chuẩn về sức khỏe vào Học viện Hậu cần được quy định như thế nào?

Trả lời:

Học viện Hậu cần tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và  Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng về quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Riêng tiêu chuẩn về Mắt và Thể lực quy định cụ thể như sau:

*    Tiêu chuẩn về Mắt: Không tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị.

*    Tiêu chuẩn về Thể lực:

-    Thí sinh có nơi thường trú tại KV2, KV2NT, KV3:

+ Thí sinh nam: cao từ 1,65m trở lên; cân nặng từ 50kg trở lên.

+ Thí sinh nữ: cao từ 1,54m trở lên; cân nặng từ 48kg trở lên.

-    Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số:

+ Thí sinh nam: cao từ 1,60m trở lên; cân nặng từ 48kg trở lên.

+ Thí sinh nữ: cao từ 1,52m trở lên; cân nặng từ 46kg trở lên.

-    Thí sinh là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ):

+ Thí sinh nam: cao từ 1,58m trở lên; cân nặng từ 46kg trở lên.

+ Thí sinh nữ: cao từ 1,52m trở lên; cân nặng từ 44kg trở lên.

Câu hỏi 14: Thí sinh tham gia khám sức khỏe sơ tuyển ở đâu?

Trả lời:

-    Đối với thí sinh là quân nhân: Khám sức khỏe (khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng) tại các bệnh viện Quân đội theo tuyến của đơn vị.

-    Đối với thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội: Khám sức khỏe (khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng) tại các cơ sở y tế công lập đủ điều kiện khám sức khỏe (cấp huyện trở lên) hoặc tại các bệnh viện Quân đội trên địa bàn, do ban chỉ huy quân sự cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực  thuộc  tỉnh) tổ chức.

Thí sinh liên hệ với ban chỉ huy quân sự cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) hoặc trung đoàn để được hướng dẫn.

Câu hỏi 15: Điểm khác biệt của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào Học viện Hậu cần so với đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội?

Trả lời:

-    Điểm khác biệt của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào Học viện Hậu cần và đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội, đó là: Thí sinh phải đủ điều kiện sơ tuyển của các trường thuộc nhóm 1.

Khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào Học viện Hậu cần theo đúng tổ hợp  môn quy định. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục  - Đào tạo và  quy định của Bộ Quốc phòng.

-    Thí sinh chỉ được đăng ký sơ tuyển vào 1 trong 2 khối trường Quân đội hoặc Công an (thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng thì không được tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an).

Câu hỏi 16: Thí sinh trúng tuyển nhập học vào Học viện Hậu cần có phải khám lại sức khỏe không?

Trả lời:

-    Đối với thí sinh trúng tuyển nhập học, Học viện Hậu cần tổ chức khám phúc tra sức khỏe ngay trong tuần đầu về trường nhập học. Việc khám phúc tra sức khoẻ do Hội đồng khám sức khoẻ tuyển sinh quân sự các bệnh viện Quân đội thực hiện theo sự phân công của Bộ Quốc phòng.

-    Sau 15 ngày, kể từ ngày thí sinh nhập học (theo thời gian quy định trong giấy báo nhập học), các trường phải thông báo kết luận về phân loại tiêu chuẩn sức khỏe đến thí sinh đã nhập học biết, làm thủ tục trả về địa phương đối với các thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Câu hỏi 17: Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển có phải đăng ký dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT không?

Trả lời:

Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển và đủ điều kiện sơ tuyển vào các trường Quân đội thuộc nhóm 1: BẮT BUỘC phải đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để lấy kết quả xét tuyển vào Học viện Hậu cần.

-    Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội: Mua hồ sơ và đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa điểm do các Sở GD&ĐT quy định.

-    Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ: Mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa điểm của thí sinh tự do.

Câu hỏi 18: Năm 2023, Học viện Hậu cần tổ chức tuyển sinh theo các phương thức như thế nào?

Trả lời:

Năm 2023, Học viện Hậu cần tổ chức xét tuyển theo 03 phương thức:

1.    Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh theo quy định tại Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

2.    Xét tuyển đối tượng học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông theo quy định của Bộ Quốc phòng.

3.    Xét tuyển từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Câu hỏi 19: Năm 2023, đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT được các trường Quân đội quy định như thế nào?

Trả lời:

1.    Đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT:

*    Thí sinh thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT:

-    Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp Trung học phổ thông.

-    Thí sinh được triệu tập tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp Trung học phổ thông.

-    Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp Trung học phổ thông.

*    Thí sinh thuộc đối tượng quy định tại Điểm b và Điểm c, Khoản 4,  Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT:

Thí sinh phải thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020; thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

2.    Đối tượng ưu tiên xét tuyển theo quy định tại Điều 8 - Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT:

-    Thí sinh thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 8 - Quy chế tuyển sinh nhưng không dùng quyền xét tuyển thẳng, được ưu tiên xét tuyển vào các ngành theo nguyện vọng.

-    Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và thí sinh đoạt giải tư trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Câu hỏi 20: Năm 2023, đối tượng xét tuyển học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông được quy định như thế nào?

Trả lời:

Đối tượng xét tuyển học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông được quy định như sau:

1.    Thí sinh có 1 trong 2 điều kiện sau:

-    Tham gia kỳ thi học sinh giỏi bậc Trung học phổ thông cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt giải nhất, nhì, ba thuộc một trong các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh.

-    Có kết quả điểm ngoại ngữ IELTS 5.0 điểm hoặc TOEFL iBT 50 điểm trở lên (chứng chỉ còn thời hạn sử dụng đến thời điểm xét tuyển).

2.    Thí sinh đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt năm học lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

3.    Học viện Hậu cần tổ chức xét tuyển đối với thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của Học viện công bố.

Câu hỏi 21: Tổ hợp môn đăng ký xét tuyển vào Học viện Hậu cần?

Trả lời:

Học viện Hậu cần tổ chức xét tuyển theo 2 tổ hợp:

-    Tổ hợp xét tuyển A00 (gồm các môn: Toán, Vật lý, Hoá học).

-    Tổ hợp xét tuyển A01 (gồm các môn: Toán, Vật lý, tiếng Anh).

Câu hỏi 22: Thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2023 quy định như thế nào? Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ Quốc phòng hay Bộ GD&ĐT?

Trả lời:

*    Thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2023 quy định như sau:

-    Thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn vào các trường thuộc nhóm 1 theo quy định của Bộ Quốc phòng.

-    Đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; các môn thi phải phù hợp với tổ hợp xét tuyển A00 hoặc A01.

Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Sở GD&ĐT kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong thời gian quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào Học viện Hậu cần; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội.

*    Hồ sơ đăng ký xét tuyển: Thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Câu hỏi 23: Thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển được quy định như thế nào?

-    Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển của các trường quân đội trong nhóm 1, được đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Quốc phòng.

-    Đối với việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội, cho phép thí sinh được đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đối tượng (nam hoặc nữ), khu vực tuyển sinh (phía Bắc hoặc phía Nam), tổ hợp môn xét tuyển và đúng các trường thuộc NHÓM 1, gồm 04 học viện và 09 trường sĩ quan:

+ Học viện Hậu cần;

+ Học viện Hải quân;

+ Học viện Biên phòng;

+ Học viện Phòng không - Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu);

+ Trường Sĩ quan Lục quân 1;

+ Trường Sĩ quan Lục quân 2;

+ Trường Sĩ quan Chính trị;

+ Trường Sĩ quan Đặc công;

+ Trường Sĩ quan Pháo binh;

+ Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa;

+ Trường Sĩ quan Thông tin;

+ Trường Sĩ quan Công binh.

Câu hỏi 24: Tổ chức xét tuyển đợt 1 vào Học viện Hậu cần được quy định như thế nào?

-    Tổ chức xét tuyển đợt 1 vào đào tạo đại học quân sự đối với thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển vào các trường quân đội thuộc nhóm 1 và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào Học viện Hậu cần.

-    Không xét tuyển đối với các thí sinh:

+ Không có hồ sơ sơ tuyển hoặc không đủ điều kiện sơ tuyển.

+ Không đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 hoặc đăng ký xét tuyển vào trường không cùng nhóm.

+ Đối với xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển: Không nộp hồ sơ hoặc nộp hồ sơ không đúng thời gian quy định; đăng ký không đúng môn thi hoặc lĩnh vực xét tuyển của Học viện.

Câu hỏi 25: Chính sách ưu tiên của thí sinh được quy định thực hiện như thế nào?

Trả lời:

-    Chính sách ưu tiên theo khu vực và đối tượng: Thực hiện theo quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT.

-    Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, được quy định chi tiết trong Đề án tuyển sinh và thông báo trên Website của Học viện Hậu cần.

Câu hỏi 26: Học viện Hậu cần tổ chức xét tuyển như thế nào?

Trả lời:

Sau khi kết thúc thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, Học viện Hậu cần khai thác thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để tổ chức xét tuyển theo các phương thức đã công bố.

Trên cơ sở kết quả đăng ký xét tuyển theo tổ hợp môn của thí sinh và chỉ tiêu đào tạo, Học viện Hậu cần thực hiện xét tuyển từ thí sinh có tổng điểm thi cao nhất trở xuống đến đủ chỉ tiêu.

Học viện Hậu cần công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển tại website: hocvienhaucan.edu.vn và thông báo nhập học về ban tuyển sinh quân sự cấp tỉnh (thành phố) theo quy định.

Câu hỏi 27: Điểm chuẩn tuyển sinh vào Học viện Hậu cần quy định như thế nào?

Trả lời:

-    Thực hiện một điểm chuẩn chung:

+ Theo đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài Quân đội (thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm chuẩn theo nơi thường trú).

+ Theo tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) hoặc A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh).

-    Thực hiện một điểm chuẩn riêng:

+ Theo đối tượng thí sinh nam và thí sinh nữ.

+ Theo nơi đăng ký thường trú ở khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và ở khu vực phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào).

-    Thí sinh được tính điểm chuẩn theo nơi đăng ký thường trú phía Nam phải có đủ các điều kiện sau:

+ Đăng ký thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào (tính đến tháng 9/2023) phải đủ 03 năm thường trú liên tục trở lên.

+ Phải học tập năm lớp 12 và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh phía Nam.

Câu hỏi 28: Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học được quy định như thế nào?

-    Giám đốc Học viện Hậu cần thông báo kết quả tuyển sinh và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học theo quyết định điểm chuẩn của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

-    Thời gian, địa điểm nhập học và thủ tục hồ sơ được quy định trong Giấy báo nhập học.

-    Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục hồ sơ nhập học tại ban tuyển sinh quân sự cấp huyện (nơi thí sinh đăng ký sơ tuyển).

Câu hỏi 29: Thí sinh trúng tuyển vào Học viện Hậu cần có được tuyển chọn gửi đi đào tạo ở nước ngoài?

Trả lời:

Năm 2023, thí sinh trúng tuyển vào Học viện Hậu cần được tuyển chọn 05 chỉ tiêu gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Sau ngày thí sinh trúng tuyển nhập học, Học viện  Hậu cần hướng dẫn  thí sinh đăng ký dự tuyển theo quy định.

Câu hỏi 30: Thí sinh trúng tuyển vào đào tạo đại học quân sự được hưởng quyền lợi gì?

Trả lời:

-    Thí sinh trúng tuyển vào đào tạo sĩ quan được Quân đội bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hàng tháng, không phải đóng học phí, được đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho học tập.

-    Bố, mẹ của học viên được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Quốc phòng.

-    Sau từng năm học, những học viên được xếp loại xuất sắc, loại giỏi được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

-    Học viên được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ tết theo quy định.

-    Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ được Giám đốc Học  viện cấp bằng  tốt nghiệp; văn bằng tốt nghiệp cấp cho học viên khi tốt nghiệp ra trường là bằng đại học thuộc hệ thống văn bằng quốc gia do Bộ GD&ĐT hướng dẫn, thống nhất.

-    Học viên tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan và phân công công tác. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xem xét nguyện vọng khi phân công công tác./.

 

Trường CĐ Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 2023

Liên kết

Shopee Sale 1/1

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây